Sàn giao dịch bất động sản tại Tp.HCM chật vật tìm hàng phân phối

24/07/18 14:48

đại diện một công ty môi giới BĐS tại Tp.HCM cho biết, thách thức lớn nhất trong 6 tháng cuối năm của doanh nghiệp không phải là tìm khách hàng mà là tìm được nguồn hàng để phân phối.

“Cùng thời điểm này năm 2017, sàn của tôi đã nhắm trước được 9-10 dự án chung cư, đất nền để phân phối đến cuối năm. Còn năm nay, sàn chỉ mới nhận được 2 dự án chung để phân phối, còn lại thì đang phải cạnh tranh với nhiều sàn khác”, vị đại diện công ty môi giới nói.

Theo tìm hiểu, từ nay đến cuối năm, thị trường chỉ có tầm 5-6 dự án đất nền, nhà phố chắc chắn triển khai, nguồn cung không vượt quá 1.000 nền. Khu vực các tỉnh vùng ven cũng gần như không có nguồn cung mới. Với các dự án nhỏ, chủ đầu tư thường tự phân phối chứ không thông qua sàn, vậy nên hiện tại trên địa bàn Tp.HCM, muốn tìm một dự án để bán là chuyện không dễ.

Không chỉ đất nền, chung cư cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung. Nếu thời điểm 2016-2017, nguồn hàng mới tung ra ồ ạt, nhiều sàn còn kén cá chọn canh thì hiện tại số lượng dự án ngày càng ít, không có nhiều lựa chọn.

Cùng quan điểm trên, ông Dương Thanh Trung, đại diện SGD BĐS VSlands cho biết, trước sàn của ông chủ yếu chỉ phân phối dự án đất nền, tuy nhiên hiện tại đã lấn sang chung cư vì nguồn hàng đất nền tại Tp.HCM giờ không còn để phân phối. Thậm chí có chạy về các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai cũng không dễ tìm được sản phẩm chào bán. Do nguồn hàng ít ỏi, sàn giao dịch ngày càng nhiều nên các chủ đầu tư thường đưa ra lựa chọn gắt gao hơn đối với bên phân phối.

Không chỉ các sàn giao dịch nhỏ gặp khó về vấn đề tìm nguồn hàng, ngay cả doanh nghiệp có tiếng cũng đau đầu làm sao tìm được sản phẩm để chào bán. Đại diện một công ty BĐS lớn cho biết, doanh nghiệp hiện có hơn nghìn nhân viên kinh doanh nhưng sản phẩm chào bán từ nay đến cuối năm chỉ có khoảng 1.000-1.500 căn, lại phân ra thành nhiều đợt nên khó tránh tình trạng môi giới thiếu sản phẩm rao bán. Theo dự kiến thì doanh nghiệp này sẽ triển khai một khu dân cư quy mô lớn trong năm 2018 nhưng do một số vấn đề về thủ tục và tình hình thị trường trầm lắng mà kế hoạch này phải gác lại.

Nguồn cung tiếp tục giảm

Hàng loạt doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh, Đất Xanh, Novaland, Him Lam... đều ít có hoạt động triển khai dự án, bán hàng hơn so với các năm 2016-2017. Nhiều sàn giao dịch cho biết nếu tính riêng nguồn hàng tương lai mà các sàn đang nắm thì số lượng phải ít hơn từ 20-30% so với năm 2017.

Một trong những nguyên nhân khiến nguồn hàng BĐS Tp.HCM ngày càng khó kiếm là do thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án mới. Hiện nay, quỹ đất sạch của thành phố gần như đã cạn.

Theo báo cáo từ các đơn vị NCTT, trong 6 tháng đầu năm 2018, nguồn cung BĐS Tp.HCM đã giảm khá mạnh và có thể sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, số liệu nghiên cứu từ DKRA Viet Nam ghi nhận, ở phân khúc đất nền Tp.HCM chỉ có khoảng 1.453 nền được chào bán, giảm 55% so với nguồn cung 6 tháng cùng kỳ và giảm 64% so với 6 tháng cuối năm 2017. Phân khúc nhà phố và biệt thự cũng chỉ có 1.137 căn chào bán, giảm 40% so với nguồn cung 6 tháng cuối năm 2017.

Riêng phân khúc căn hộ có 18 dự án chào bán với khoảng 9.109 căn trong quý II/2018, giảm 35% so với nguồn cung quý IV/2017. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm sẽ chỉ có khoảng 7.000 – 8.000 căn hộ mới đưa ra thị trường. Riêng đất nền, nhà phố sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do quỹ đất sạch hạn chế, khó triển khai dự án mới.

Ngược lại với con số nguồn cung, lượng doanh nghiệp mới thành lập lại tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018. Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực BĐS có 3.286 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 192.545 tỷ đồng. Với việc có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS được thành lập mới, trong khi lượng hàng lại không đủ để các doanh nghiệp bán cùng với gánh nặng chi phí đã tạo ra cuộc thay đổi trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Với thực trạng “mèo nhiều mỡ ít” như hiện nay, cạnh tranh trong tìm kiếm khách hàng là một nhẽ nhưng để tìm được nguồn hàng tốt duy trì hoạt động và giữ chân môi giới cũng rất nan giải. Nhiều sàn giao dịch thuộc chủ đầu tư hay các sàn lớn có lợi thế thương hiệu thì không gặp quá nhiều khó khăn, nhưng các sàn nhỏ, chưa nhiều kinh nghiệm sẽ ngày càng khó kiếm được nguồn hàng để duy trì hoạt động.

Phương Uyên

(Theo Enternews.vn) 

TIN MỚI CẬP NHẬT
BỘ LỌC Đóng lại
Khu vực